Dù siêu sao người Argentina quyết định ở lại Camp Nou đến hết hợp đồng rồi mới ra đi, đó cũng là giải pháp tồi cho chính anh lẫn CLB xứ Catalonia.

Messi không còn đường lùi tại BarcaSự hiện diện của Jorge Messi, cha và cũng là người đại diện cho cầu thủ, tại Barcelona đẩy tương lai của Leo đến những biến cố mới.

Ngày 3/9, sau cuộc gặp với Chủ tịch Barca Josep Bartomeu, Jorge thừa nhận với truyền thông khả năng con trai ở lại Camp Nou.

“Có khả năng Messi ở lại rồi ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do vào năm 2021 không?”, phóng viên hỏi. “Có”, ông Jorge đáp.

Sự cứng rắn của ban lãnh đạo Barca khiến Messi chùn chân, khi những thông điệp phát đi từ gia đình Leo cho thấy anh không muốn lôi CLB có ơn với mình ra tòa.

Những biến cố mới


Lần đầu tiên kể từ khi bản burofax được gửi đi, phía Messi thừa nhận khả năng tiếp tục chơi bóng tại Camp Nou, dù chỉ có thể là mùa giải cuối cùng.

Với tất cả sự kỹ lưỡng của mình, ông Jorge luôn trả lời nước đôi khi được báo chí phỏng vấn. Sự cứng rắn từ ban lãnh đạo Barca khiến Jorge và Leo cân nhắc lại khả năng ra đi trong hè 2020.

Không thành viên ban lãnh đạo Barca nào muốn trở thành tội đồ khi để cầu thủ vĩ đại nhất đội bóng ra đi trong nhiệm kỳ của mình. Bartomeu là người hiểu rõ điều này nhất.

Quan điểm nhất quán của ban lãnh đạo Barca kể từ khi Messi thông báo ý định ra đi được thể hiện trên truyền thông.

Đội chủ sân Camp Nou sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với bất cứ CLB nào, nếu không nhận được số tiền 700 triệu euro phí giải phóng hợp đồng của cầu thủ.

Một vài nguồn tin khác thì khẳng định Barca chỉ bán Messi với giá kỷ lục, vượt qua mức 222 triệu euro phí giải phóng hợp đồng của Neymar năm xưa.

Cho tới thời điểm này của thị trường chuyển nhượng hè 2020, chúng ta có thể khẳng định Man City hay bất kỳ gã nhà giàu nào sẽ không sẵn sàng phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng cho một cầu thủ 33 tuổi như Messi.

Messi có thu nhập hơn 110 triệu euro/mùa tại Barca. Ngay cả khi anh chấp nhận giảm lương, khoản phí chuyển nhượng và lương của cầu thủ sẽ tạo ra gánh nặng cực lớn cho mọi đội bóng.

Truyền thông châu Âu đều có chung thông tin rằng PSG hay Man City chỉ chiêu mộ Messi theo dạng tự do, hoặc trả cho Barca một mức phí chấp nhận được (dưới 200 triệu euro).

Đó là lý do Messi bắt đầu nghĩ đến khả năng ở lại Camp Nou cho đến tháng 6/2021.

Messi không còn đường lùi tại Barca
Ngày 3/9, Jorge Messi lái xe rời khỏi trụ sở Barca sau cuộc gặp với BLĐ đội bóng. Ảnh: Getty.

Khi vừa bước xuống sân bay ở thành phố Barcelona, Jorge đã khẳng định “rất khó” để con trai mình ở lại Camp Nou.

Sau cuộc gặp với Bartomeu ở văn phòng CLB, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Jorge tính đến mọi phương án và thừa nhận có khả năng Leo ở lại CLB thêm một năm.

Chưa đầy 12 giờ đồng hồ sau cuộc gặp nói trên, Bartomeu bị cảnh sát xứ Catalonia cáo buộc tham nhũng. Thẩm phán của thành phố Barcelona nhận được đề nghị từ cảnh sát về việc điều tra ông Bartomeu về vụ bê bối “Barcagate” hồi đầu năm.

Chủ tịch Barca và cộng sự được cho đã thuê công ty tên I3 Ventures từ năm 2017 và trả 6 hóa đơn khác nhau với chi phí tổng cộng gần một triệu euro. Công ty này sở hữu nhiều tài khoản trên các mạng xã hội, với mục đích chính là đăng những câu chuyện tiêu cực về các nhân vật có ảnh hưởng tại Camp Nou.

Bartomeu bị tố trả cao gấp 6 lần so với giá thông thường cho I3 Ventures. Đối tượng mà I3 Ventures nhắm đến có Messi, Gerard Pique, Pep Guardiola, Xavi, Carles Puyol hay các ứng viên cho cuộc tranh cử chức chủ tịch CLB năm 2021 như Victor Font, Joan Laporta, Agusti Benedito hay Jaume Roures.

I3 Ventures được cho là sử dụng các tài khoản trên mạng xã hội để đăng bình luận tiêu cực về việc kinh doanh của trung vệ Pique hay tiết lộ thông tin HLV Pep Guardiola gây tai nạn sau khi đâm 4 chiếc xe.

“Barcagate” là một trong những lý do khiến Messi bất bình với ban lãnh đạo đội bóng, và ít nhiều đẩy anh đến quyết định ra đi.

Nhiều cổ động viên Barca hy vọng nếu quả thật Bartomeu phải ngồi tù, tình hình nội bộ của CLB sẽ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho việc giữ chân Messi.

Bartomeu đã đề nghị Messi một bản hợp đồng mới có thời hạn đến năm 2022, nhưng cầu thủ từ chối.

Victor Font, một ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử vào tháng 3/2021 khẳng định chừng nào Bartomeu còn tại vị, Messi chắc chắn ra đi.

Augusto Benedito, một ứng viên khác khẳng định nếu Bartomeu từ chức, cơ hội giữ chân Messi ở lại sẽ tăng lên.

Những người tin vào thuyết âm mưu có thể dễ dàng tìm thấy mối liên hệ giữa sự ra đi của Messi với việc chính quyền thành phố Barcelona điều tra Bartomeu.

Chủ tịch đương nhiệm của Barca giờ không khác gì tên độc tài hay kẻ phản diện số 1 đang hủy hoại đội bóng, đâm sau lưng huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử CLB.

Người ta tin rằng Bartomeu quyết không từ chức và cứng rắn với Messi chỉ vì ông luôn nghĩ cho bản thân mình.

Theo quy định hội viên Barca, nếu chưa thể xử lý xong các khoản nợ trước rời ghế chủ tịch, Bartomeu sẽ phải lấy tiền túi để bù vào các khoản lỗ ở CLB.

Cổ động viên Barca đang tích cực thu thập chữ ký để bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bartomeu. Trong 10 ngày tới, nếu các hội viên của đội chủ sân Camp Nou thu thập đủ 17.000 chữ ký (lá phiếu) ủng hộ, CLB có thể khiến Bartomeu từ chức sớm hơn dự kiến.

Messi không còn đường lùi tại Barca
Bartomeu vừa bị truy tố tội tham nhũng. Ảnh: Getty.

Messi và Barca đều thua


Nhưng cả khi việc hạ bệ Bartomeu thành công, Messi gần như đã không còn đường lùi tại Camp Nou.

Bằng việc gửi burofax, từ chối kiểm tra sức khỏe trong buổi hội quân của CLB, Messi đã công khai nổi loạn trên tư cách người đeo băng đội trưởng.

Phần đông người hâm mộ Barca vẫn yêu Messi, nhưng tình cảm dành cho thần tượng chắc chắn đã sứt mẻ.

"Thiên thần hay ác quỷ" là dòng tiêu đề mà Marca dùng cho bài bình luận về tương lai Messi. Ban đầu, người ta có thể nghĩ những gì Messi đang làm chỉ để hạ bệ Bartomeu. Nhưng mỗi ngày trôi qua, người ta lại thấy Messi có những động thái khiến Barca tổn thương.

Với Messi, một người luôn sống nội tâm và giàu tình cảm, ở lại Camp Nou thêm một mùa là giải pháp bất đắc dĩ.

Man City hay PSG sẽ không tự đặt mình vào rủi ro, một khi Barca và Messi vẫn còn nhập nhằng về mặt pháp lý.

Hồi đầu năm, Barca chính là một trong những đội đã vận động UEFA phạt Man City. Pep Guardiola sau đó thậm chí đã mỉa mai Bartomeu (cùng nhiều CLB khác) là “chơi bẩn” trên truyền thông.

Messi sẽ tiếp tục phí một năm tại Barca, đại công trường đang ngổn ngang. Leo nộp đơn ra đi chỉ 2 ngày sau cuộc gặp với HLV Ronald Koeman, người không tạo cho Messi cảm giác có thể giúp Barca trở lại đỉnh cao nhanh chóng.

Người bạn thân Luis Suarez tiến gần đến việc rời Camp Nou để cập bến Juventus. Barca đang chìm trong khoản nợ 700 triệu euro và không có dấu hiệu đầu tư mạnh mẽ trên thị trường mùa hè này. Họ vẫn đang mắc kẹt với Messi.

Siêu sao người Argentina có thể vẫn cố gắng thể hiện sự chuyên nghiệp trong mùa giải cuối, nhưng thật khó để người ta tin anh sẽ đạt phong độ tốt nhất khi cái đầu đã hướng về nơi khác.

Bước vào tháng 1/2021, Messi theo luật sẽ thoải mái thương thảo hợp đồng với bất kỳ CLB nào.

Messi không còn đường lùi tại Barca
Messi đang rơi vào thế khó tại Camp Nou sau khi nộp đơn ra đi. Ảnh: Getty.

Với Barca, đội bóng này đang rơi vào cuộc khủng hoảng nơi thượng tầng. Những khoản nợ ngập đầu đã tồi tệ hơn sau đợt dịch. Sự ra đi ngay trong mùa hè 2020 của Messi có thể cứu vãn tình thế.

Financial Times ước tính Barca có thể tiết kiệm được từ 300-500 triệu euro nếu bán Messi trong phiên chợ hè này.

Đội chủ sân Camp Nou sẽ không còn mang gánh nặng phải trả 110 triệu euro thu nhập mỗi năm cho một cầu thủ 33 tuổi.

Nếu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với PSG hay Man City, Barca có thể thu về một khoản phí chuyển nhượng không nhỏ (khoảng 150 triệu euro).

Tuy nhiên, nỗi sợ đi vào lịch sử Barca với tư cách “kẻ bán Messi” của Bartomeu đã khiến ông và các cộng sự không thỏa hiệp.

Messi biết điều này. Anh chấp nhận ở lại Camp Nou thêm một năm. Nhưng đó là sự ở lại bất đắc dĩ.

Nói như lời Biancucchi Cuccittini, anh họ của Messi thì "Leo không thể tiếp tục ở một nơi mà nó không cảm thấy hạnh phúc". Đôi khi, việc chia tay lại là giải pháp mang lại hạnh phúc lâu dài cho tất cả.